Tội cố ý gây thương tích và phá hoại tài sản bị xử phạt thế nào?

Gửi câu hỏii
Em xin chào các luật sư! Em có một thắc mắc sau muốn được các Luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn, giải đáp: Gia đình em và hàng xóm có xảy ra tranh chấp về vấn đề xây tường rào. Trong quá trình tranh chấp, người hàng xóm đã tiến hành đập phá tường rào (do nhà em xây dựng) và đánh bố em, gây ra những thương tích ở phần mềm, rạn xương đùi. Vậy trong trường hợp này, người hàng xóm kia có phạm tội cố ý gây thương tích và phá hoại tài sản hay không? Gia đình em nên giải quyết vấn đề như thế nào nếu muốn đưa ra pháp luật? Rất mong nhận được sự tư vấn và giải đáp của các luật sư. Em xin chân thành cảm ơn! (Thanh Mai, Hà Giang)
Trả lời

Chào bạn Thanh Mai, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự! Trước tiên, chúng tôi rất tiếc về những vấn đề bạn và gia đình đã gặp phải. Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

1. Về tội cố ý gây thương tích

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về mặt sức khỏe cho người khác sẽ bị truy cứu về trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

  1. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 11% trở lên
  2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dưới 11% nhưng người gây thương tích thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Theo đó, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của bố bạn từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng người hàng xóm của gia đình bạn thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì người hàng xóm đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Khi đó, khung hình phạt mà người hàng xóm của bạn phải chịu có thể là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ với thời hạn là từ 06 tháng đến 15 năm phụ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của bố bạn.

Tội cố ý gây thương tích

Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của bố bạn dưới 11% và người hàng xóm của bạn không thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì người đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

2. Về tội phá hoại tài sản

Tội cố ý gây thương tích và phá hoại tài sản

Trong trường hợp của gia đình bạn, nếu tài sản bị người hàng xóm phá hoại (tường rào) có tổng giá trị bằng tiền là dưới 2 triệu đồng thì người hàng xóm của bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngày 12/11/2013 của Chính phủ như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

[...] 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.”

Nếu tài sản bị người hàng xóm phá hoại (tường rào) có tổng giá trị bằng tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì người hàng xóm của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, theo Điều 178 nêu trên thì khung hình phạt áp dụng đối với người hàng xóm của bạn phụ thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại.

Bạn Thanh Mai thân mến, với sự tư vấn của các luật sư đến từ Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự, hy vọng những thắc mắc của bạn đã được giải đáp và giúp bạn hiểu rõ hơn về tội cố ý gây thương tích và tội phá hoại tài sản trong trường hợp gia đình bạn đang gặp phải.

Luật sư Lê Hồng Hiển

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự là hãng Luật có rất nhiều năm kinh nghiệm cùng sự tận tâm với nghề, cùng với đó là đội ngũ Luật sư có trình độ chuyên môn cao, trách nhiệm và chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ và giải đáp mọi lĩnh vực khách hàng cần.

Nếu như còn thắc mắc hay thông tin gì cần cung cấp, bạn có thể liên hệ trực tiếp tới văn phòng luật sư của chúng tôi thông qua:

Địa chỉ: Phòng 324, số 142 đường Lê Duẩn, P. Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Thông tin liên hệ:

Hotline: 091 789 4567

Điện thoại: 0243 200 7447

Email: luatsulehonghien@gmail.com

Website: http://vanphongluatsuhanoi.vn


Gửi câu hỏi
0.12628 sec| 2198.852 kb