Thừa kế và phân chia tài sản không có di chúc thế nào?
Hiện nay, có rất nhiều gia đình gặp khó khăn khi phân chia tài sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc. Thậm chí điều này còn dẫn đến nhiều tranh chấp khiến cho gia đình không hòa thuận. Trong bài biết này Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phân chia tài sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc.
Tình huống 1 Chị Lệ và anh Tuấn là vợ chồng từ năm 2010, hai vợ chồng anh sinh sống với nhau có một mặt con là cháu Huyền. Tháng 3/2019 anh Tuấn không may bị tai nạn qua đời. Anh ra đi đột ngột không để lại di chúc. Khi anh Tuấn mất có để lại một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh, với diện tích là 493 m2. Đất là do bố mẹ anh Tuấn cho anh trước khi kết hôn. Bố anh Tuấn đã mất vì vậy giấy tờ đang do bà Chung - mẹ anh Tuấn giữ và quản lý. Do không thỏa thuận được với bà Chung về các vấn đề liên quan đến mảnh đất này nên chị Lệ đã gọi về đường dây nóng của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự xin được tư vấn. Chị muốn biết mình có được phép yêu cầu thừa kế mảnh đất này hay không? |
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Vì vậy, tuy quyền sử dụng đất mà anh Tuấn được bố mẹ tặng cho trước khi kết hôn là tài sản riêng nhưng cũng là di sản của anh Tuấn và phần di sản này sẽ được phân chia cho những người thừa kế.
Vì anh Tuấn không để lại di chúc nên đây là trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người đầu tiên có quyền thừa kế di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Trong trường hợp này anh Tuấn không có con riêng và con nuôi, bố anh Tuấn đã mất nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Tuấn gồm mẹ đẻ (bà Chung), vợ (chị Lệ) và con ruột (cháu Huyền). Cả ba người được hưởng những phần di sản bằng nhau. Cụ thể, trong trường hợp này thì bà Chung, chị Lệ và cháu Huyền mỗi người được hưởng ⅓ giá trị quyền sử dụng đất.
Vậy trong trường hợp này chị Lệ hoàn toàn có quyền yêu cầu chia thừa kế tài sản của anh Tuấn.
Tình huống 2 Kính chào quý Luật sư, chồng tôi ly dị vợ cũ vào năm 2008, sau đó đã cùng tôi sinh sống nhưng không có hôn thú. Chồng tôi do bệnh hiểm nghèo mà mất, khi mất không để lại di chúc. Tôi và chồng có hai mặt con, trong giấy khai sinh của con đều có tên chồng tôi. Khi mất, chồng tôi có để lại 1 ngôi nhà 3 tầng và 2 mảnh đất, 1 chiếc ô tô CX5. Hiện tài sản này đang do vợ cũ của chồng tôi quản lý. Trong trường hợp này liệu tôi có thể yêu cầu chia tài sản cho tôi và hai con không? |
Trả lời:
Chào chị, vì chồng chị không để lại di chúc nên trường hợp của chị là trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người đầu tiên có quyền thừa kế di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Theo quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nếu hai người nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Chiếu theo quy định trên thì chị chưa được pháp luật ghi nhận là vợ hợp pháp của chồng chị do hai người chưa đăng ký kết hôn nên chị không có quyền hưởng thừa kế từ chồng chị.
Hai người con chung của vợ chồng chị vẫn có quyền hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015. Vì vậy, chị có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế cho hai cháu theo pháp luật.
Tình huống 3 Ông Tú kết hôn cùng bà Na vào năm 1974 và hai người chỉ có một người con trai. Trong quá trình sinh sống ông bà có tạo được một khối tài sản chung là một căn nhà hai tầng gắn liền với thửa đất 345 m2 và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Không may năm 2018, bà Na bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Khi qua đời bà không để lại di chúc. Khi này con trai ông Tú là anh Nam muốn bán mảnh đất này để kinh doanh nhưng ông không đồng ý. Anh Nam đã đưa đơn kiện ông Tú, để lấy mảnh đất này. Ông Tú mong được Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn giúp ông, ông có thể được xử phần hơn không nếu ra tòa. Bởi ông cho rằng con trai ông không có đóng góp và công sức trong việc tạo nên khối tài sản này. |
Trả lời:
Vì bà Na chết mà không để lại di chúc nên phần tài sản mà bà Na để lại sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, phần tài sản mà bà Na để lại trong trường hợp này là ½ giá trị quyền sử dụng đất đối với thừa đất 345m2.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người đầu tiên có quyền thừa kế di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Chiếu theo quy định này thì những người thừa kế theo pháp luật của bà Na là gồm chồng (ông Tú) và con trai (anh Nam). Ông Tú và anh Nam có quyền hưởng phần di sản bằng nhau, mỗi người hưởng ½ di sản bà Na, tức mỗi người được thừa kế ¼ giá trị quyền sử dụng đất đối với thửa đất 345m2.
Với những tình huống được đưa ra, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các trường hợp thừa kế không di chúc. Nếu còn những thông tin chưa rõ, hoặc mong muốn được giải đáp thêm, hãy liên với chúng tôi.
Với nhiều năm kinh nghiệm cũng đội ngũ Luật sư có chuyên môn cao, chắc chắn Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ giúp bạn được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình.
Thông tin liên hệ: Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự Địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: 0913 83 1789 (zalo) – 029 99999983 (Hotline) Email: luatsulehonghien@gmail.com Website: www.vanphongluatsuhanoi.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm