Một số quy định về di chúc và thừa kế theo Bộ luật Dân sự mới nhất
Nội dung bài viết
- 1. Thừa kế theo di chúc
- 1.1. Người lập di chúc
- 1.2. Quyền của người lập di chúc
- 1.3. Hình thức của di chúc
- 1.4. Điều kiện để di chúc hợp pháp
- 1.5. Nội dung của di chúc
- 1.6. Điều kiện đối với người làm chứng cho việc lập di chúc
- 1.7. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
- 1.8. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
- 1.9. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực
- 1.10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
- 1.11. Di chúc bị thất lạc, hư hại
- 1.12. Hiệu lực của di chúc
- 1.13. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
- 1.14. Di sản dùng vào việc thờ cúng
- 1.15. Di tặng
- 1.16. Công bố di chúc
- 1.17. Giải thích nội dung di chúc
- 2. Thừa kế theo pháp luật
- 3. Luật sư tư vấn
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới quy định về di chúc và thừa kế. Hãng Luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ tổng hợp lại những thông tin cần thiết nhất liên quan tới di chúc và thừa kế để gửi tới bạn đọc trong bài viết dưới đây.
1. Thừa kế theo di chúc
1.1. Người lập di chúc
Những người đủ điều kiện lập di chúc:
- Người thành niên lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
1.2. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền:
- Chỉ định người thừa kế hoặc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế
- Phân định di sản cho từng người thừa kế
- Dành một phần di sản để tặng, thờ cúng
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản và người phân chia di sản.
- Yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
1.3. Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản, có thể có người làm chứng hoặc không có người làm chứng và có thể yêu cầu công chứng, chứng thực. Trong trường hợp tính mạng của người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.
1.4. Điều kiện để di chúc hợp pháp
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
1.5. Nội dung của di chúc
Di chúc phải bao gồm những nội dung:
- Ngày tháng lập di chúc;
- Họ tên, nơi cư trú của người lập;
- Họ tên, nơi cư trú, cơ quan của người thừa kế;
- Di sản để lại và địa chỉ;
Ngoài ra có thể thêm nhiều nội dung khác phù hợp với nguyện vọng của người lập di chúc.
Cần chú ý là di chúc không được viết tắt hoặc có ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì phải được ghi số thứ tự và có chữ ký, điểm chỉ của người lập.
Trong trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
1.6. Điều kiện đối với người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
1.7. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Với trường hợp này thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật dân sự 2015.
1.8. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Với trường hợp người lập di chúc không tự viết thì ít nhất phải có 02 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật dân sự 2015.
1.9. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực
Bao gồm những trường hợp:
- Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.
- Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.
- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.
- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.
- Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
1.10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
- Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Nếu người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
1.11. Di chúc bị thất lạc, hư hại
- Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc.
- Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
- Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
1.12. Hiệu lực của di chúc
Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, tức là kể từ thời điểm người lập di chúc chết. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Người được chỉ định hưởng thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
- Nếu di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
- Nếu một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
1.13. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn ⅔ suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
- Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.
1.14. Di sản dùng vào việc thờ cúng
- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
1.15. Di tặng
- Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
- Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng là tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
1.16. Công bố di chúc
- Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.
- Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.
- Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.
- Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.
- Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.
1.17. Giải thích nội dung di chúc
- Nếu nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
2. Thừa kế theo pháp luật
2.1. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2.2. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2.3. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
2.4. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được áp dụng chế độ thừa kế như con đẻ và bố mẹ đẻ.
2.5. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
- Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
3. Luật sư tư vấn
Để hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về thừa kế trong trường hợp có di chúc và thừa kế trong trường hợp không có di chúc, mời bạn đọc tham khảo các tình huống thực tế đã được Hãng Luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn qua các bài viết:
[Tư vấn] Thừa kế theo di chúc theo quy định của pháp luật?
Thừa kế và phân chia tài sản không có di chúc thế nào?
[Luật sư giải đáp] Luật thừa kế tài sản không có di chúc
Trên thực tế, việc phân chia di sản thừa kế chưa bao giờ là đơn giản, nhất là trong trường hợp thừa kế không có di chúc. Lúc này, bạn cần có luật sư đồng hành bên mình để bảo vệ tốt nhất mọi quyền lợi của bạn trong việc phân chia di sản thừa kế.
Qua bài viết trên, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự hy vọng đã giải đáp phần nào thắc mắc của bạn trong trường hợp thừa kế có di chúc và không có di chúc. Nếu cần thêm thông tin về luật di chúc và thừa kế, hãy liên hệ với chúng tôi:
- Thông tin liên hệ:Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
- Địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà NộiĐiện thoại: 0913 83 1789 (zalo) – 029 99999983 (Hotline) Email: luatsulehonghien@gmail.com Website: www.vanphongluatsuhanoi.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm