[Tư vấn] Thừa kế theo di chúc theo quy định của pháp luật?

12/08/2019

Để bạn đọc có thể hiểu rõ hết về thừa kế theo di chúc, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ chia sẻ những tình huống thực tế mà chúng tôi đã nhận được và thực hiện tư vấn. Thông qua đó, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về trường hợp này.

Tình huống 1: 

Thưa Luật sư, cha tôi bị bệnh nặng đã lâu, tháng 1/2019 vừa qua ông có họp gia đình (bao gồm tôi, anh trai tôi, em gái tôi và chú họ của tôi). Ông có nói rõ sau khi ông mất thì có để lại ngôi nhà đang ở cho tôi. Còn mảnh đất của ông thì chia cho anh trai và em gái tôi. Bởi tôi là người trực tiếp chăm sóc và ở cùng ông từ khi ông bị bệnh đến nay. Đến tháng 2/2019, cha tôi vừa mới mất, anh trai tôi do làm ăn thua lỗ đã đến đòi căn nhà này. Anh tôi cho rằng do cha tôi chỉ nói miệng nên di chúc đó không có căn cứ pháp lý. Vậy di chúc miệng của cha tôi có hợp pháp không? Liệu tôi có giữ được ngôi nhà đang ở hay không?

Trả lời: 

Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Như vậy việc lập di chúc miệng chỉ được phép thực hiện trong trường hợp thật sự cấp thiết do người lập di chúc đang cận kề với cái chết không thể lập di chúc bằng văn bản. 

Thứ hai, theo khoản 5 điều 630 Bộ Luật dân sự 2015 nêu rõ: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Như vậy di chúc miệng chỉ hợp pháp khi:

  • Có ít nhất 2 người làm chứng.
  • Ngay sau khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại di chúc và cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc di chúc phải đi công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải ai cũng đủ điều kiện để làm chứng cho việc lập di chúc. Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì di chúc miệng của cha bạn chỉ có 1 người làm chứng hợp lệ là chú họ bạn, di chúc sau đó cũng không được người làm chứng ghi chép lại và công chứng, chứng thực nên di chúc không hợp pháp theo quy định của pháp luật. 

Chính vì vậy tài sản mà cha bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể thì mảnh đất và ngôi nhà mà cha bạn để lại sẽ được chia đều 3 phần cho bạn, anh trai bạn và em gái bạn. 

Tình huống 2: 

Thưa Luật sư, chồng tôi có hai đời vợ. Với vợ thứ nhất anh sinh được hai cô con gái. Sau khi hai vợ chồng anh ly hôn thì anh đến ở với tôi. Trong quá trình chung sống tôi và chồng sinh được hai người con (1 trai và 1 gái) nhưng không đăng ký kết hôn, tuy nhiên trong giấy khai sinh của con đều có tên chồng tôi. Tháng 7/2019 chồng tôi bị tai biến đột ngột qua đời, trước khi qua đời anh để lại di chúc bằng văn bản nêu rõ để lại toàn bộ tài sản trị giá 2 tỷ đồng cho vợ cũ và hai con với lý do không ở bên cạnh chăm sóc được họ. Tôi yêu cầu vợ cũ của chồng tôi chia cho tôi một phần tài sản trong 2 tỷ đồng của chồng tôi để lại để tôi nuôi con ăn học. Nhưng vợ cũ của chồng tôi không đồng ý. Vậy xin hỏi pháp luật có bảo vệ quyền được hưởng thừa kế của hai con tôi không? Hai con tôi có quyền thừa kế tài sản này không? Con tôi cháu gái 8 tuổi và cháu trai 15 tuổi.

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn có để lại di chúc bằng văn bản. Theo quy định của pháp luật thì di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:

Di chúc bằng văn bản được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Tuy nhiên, kể cả khi di chúc của chồng bạn hợp pháp thì hai con bạn vẫn có quyền hưởng thừa kế. Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về những người có thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

Pháp luật Việt Nam không có sự tách biệt về quyền thừa kế giữ con trong và ngoài giá thú. Với căn cứ là giấy khai sinh của con bạn có ghi tên cha thì đủ căn cứ chứng minh mối quan hệ cha con. Thêm vào đó con bạn chưa đủ 18 tuổi nên dù không có tên trong di chúc nhưng 2 cháu vẫn có quyền được hưởng di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Vậy bạn có thể yêu cầu chia tài sản thừa kế cho hai con của mình. 

Tình huống 3: 

Ông nội tôi trước khi mất có viết di chúc để lại mảnh đất cho cha tôi. Trong quá trình gia đình tôi chuyển nhà, di chúc đã bị thất lạc. Hiện chú họ tôi (em trai của bố tôi) tự ý xây một ngôi nhà trên mảnh đất đó và tự nhận mảnh đất đó là của gia đình mình. Vậy giờ gia đình tôi có cách nào lấy lại mảnh đất đó không ? Hiện mảnh đất đang đứng tên ông tôi. Bà nội tôi đã mất trước ông nội. Ông bà nội chỉ có 2 người con trai là cha tôi và chú tôi.

Trả lời:

Căn cứ tại Điều 642 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc bị thất lạc và hư hại:

 “Điều 642. Di chúc bị thất lạc, hư hại

  1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
  2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
  3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”

Với trường hợp của gia đình bạn di chúc bị thất lạc và cũng không có bằng chứng nào  chứng minh được bố bạn có quyền hưởng thừa kế mảnh đất nên theo quy định tại Điều 642 Bộ luật dân sự 2015 thì trường hợp này sẽ coi như không có di chúc. 

Vì vậy, mảnh đất mà ông nội bạn để lại sẽ được phân chia theo pháp luật. Bố bạn và chú họ bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mảnh đất sẽ được chia đều 2 phần cho bố bạn và chú họ bạn. Bố bạn có thể gặp chú họ bạn để thỏa thuận về việc phân chia mảnh đất, nếu chú họ bạn không đồng ý thì gia đình bạn có thể khởi kiện yêu cầu toà án phân chia di sản thừa kế. 

Tình huống 4: 

Chào Luật sư, cha chồng tôi trước khi chết có di chúc để lại cho vợ chồng tôi một phần tài sản bao gồm đất và nhà ở trị giá 3 tỷ đồng. Tôi lập gia đình từ năm 1985, có hai người con trai. Con trai đầu hôm trước đã về đòi tôi bán đất để cháu đầu tư làm ăn. Nhưng tôi và bố cháu không đồng ý. Cháu nói cháu là cháu đích tôn nên mảnh đất đó cháu có quyền thừa kế, và nói sẽ kiện để được chia mảnh đất đó. Vậy gia đình tôi liệu có phải chia mảnh đất đó cho con tôi hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Trong trường hợp của bạn, vì trong di chúc chỉ định người thừa kế là vợ chồng bạn nên chỉ vợ chồng bạn mới có quyền hưởng di sản thừa kế. Con trai đầu của bạn không có quyền được hưởng thừa kế.

Nếu vợ chồng bạn muốn cho con trai đất để làm ăn thì vợ chồng bạn có thể làm thủ tục tặng cho tài sản sau khi đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. 

Qua những trường hợp được nêu ra ở trên, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những trường hợp thừa kế có di chúc. Nếu gia đình bạn gặp những vướng mắc về pháp luật mà chưa có hướng giải quyết, hãy lập tức liên hệ với Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự để nhận sự tư vấn chính xác và hỗ trợ nhiệt tình.

Với nhiều năm kinh nghiệm thực tế và sự chuyên nghiệp cùng nghiệp vụ chuyên môn cao, chúng tôi sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn, bảo vệ tối đa quyền lợi của bạn.

  • Thông tin liên hệ:Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự Địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: 0913 83 1789 (zalo) – 029 99999983 (Hotline) Email: luatsulehonghien@gmail.com Website: www.vanphongluatsuhanoi.vn
0 bình luận, đánh giá về [Tư vấn] Thừa kế theo di chúc theo quy định của pháp luật?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.04539 sec| 2431.008 kb