Án treo là gì? Điều kiện nào để được hưởng án treo?

11/06/2019

Án treo là gì? Điều kiện nào để được hưởng án treo? Hãy cùng Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Án treo là gì?

Án treo là gì

Án treo là cụm từ được dùng để chỉ về chế định pháp lý hình sự có liên quan tới việc chấp hành hình phạt. Khái niệm án treo được quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao:

“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”

Án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam khi tạo điều kiện cho người bị kết án phạt tù có cơ hội sửa sai, cải tạo trong thời gian thụ án mà không cần tiến hành giam giữ. Qua đó chế định này có tác dụng khuyến khích người bị kết án phạt tù tự tu dưỡng và lao động tại cộng đồng, đồng thời cũng cảnh báo họ nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.

2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Có phải người bị kết án phạt tù nào cũng được hưởng án treo? Câu trả lời là không. Án treo là một hình phạt tạo điều kiện cho người phạm tội cả về đời sống hàng ngày cũng như đời sống tinh thần. Nhiều khách hàng đã tìm đến Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự đưa ra câu hỏi: Làm thế nào để người phạm tội có thể được hưởng án treo?

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau:

  1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
  2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

  1. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ
  • Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015
  • Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự 2015.
  • Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
  1. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
  • Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
  • Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
  1. Người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người bị kết án phạt tù sẽ không được hưởng án treo nếu thuộc 01 trong 06 trường hợp sau:

  • Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  • Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
  • Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
  • Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  • Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  • Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Khi quyết định cho người bị kết án tù được hưởng án treo thì Toà án đồng thời cũng buộc phải tuyên thời gian thử thách với người này. Đây là khoảng thời gian cần thiết để người được hưởng án treo tự khẳng định về sự tự giác cải tạo, giáo dục của mình. Thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.

Cần lưu ý hai điểm sau:

  • Trong suốt thời gian thử thách, nếu như người hưởng án treo vi phạm thêm tội mới thì họ phải chấp hành hình phạt tù theo bản án cũ và cả bản án mới.
  • Trong suốt thời gian hưởng án treo, tòa án có thể đưa quyết định rút ngắn hoặc chấm dứt thời gian thử thách dựa trên sự tiến bộ, tích cực của người cải tạo.

Ngoài ra, các hình phạt bổ sung có thể được áp dụng với người hưởng án treo đó là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; tịch thu tài sản; phạt tiền;…

4. Những thủ tục cần thiết để hưởng án treo

Đối với các trường hợp Tòa án xem xét và cho hưởng án treo thì không cần làm thêm các thủ tục. Tuy nhiên, nếu người bị kết án tù có đầy đủ các điều kiện để hưởng án treo nhưng không được Tòa án tuyên bố cho hưởng án treo thì người bị kết án tù cần tiến hành các thủ tục cần thiết sau nếu muốn được hưởng án treo:

  • Làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo gửi tới Tòa án sơ thẩm đã xét xử vụ án hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Cần lưu ý thời gian kháng cáo là 15 ngày đối với bản án sơ thẩm và 07 ngày đối với quyết định sơ thẩm.
  • Hồ sơ xin được hưởng án treo bao gồm:
    • Đơn kháng cáo xin được hưởng án treo (mẫu có sẵn).
    • Tài liệu chứng minh bản thân người phạm tội có đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Các thông tin được Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cung cấp trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm các hiểu biết về án treo là gì, điều kiện cũng như các thủ tục được hưởng án treo. Hãng Luật của chúng tôi với đội ngũ luật sư có trình độ cao sẽ giúp bạn có được những thông tin bổ ích nhất. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ mang tới cho khách hàng những giải pháp tối ưu trong mọi lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực hình sự.

Nếu cần tìm hiểu thêm các thông tin khác về pháp luật, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

Thông tin liên hệ: Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự Địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: 0913 83 1789 (zalo) – 029 99999983 (Hotline) Email: luatsulehonghien@gmail.com Website: www.vanphongluatsuhanoi.vn

0 bình luận, đánh giá về Án treo là gì? Điều kiện nào để được hưởng án treo?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.03645 sec| 2391.734 kb