Quy định về tội cho vay nặng lãi mới nhất theo luật Hình sự

15/08/2019

Quy định vay nặng lãi là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Trong bài viết này Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ chia sẻ tới bạn đọc những thông tin cần thiết nhất về vấn đề này.

1. Lãi suất cho vay bao nhiêu được coi là vay nặng lãi 

1.1. Pháp luật quy định thế nào về lãi suất cho vay 

Lãi suất cho vay được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Với nội dung này, thì theo khoản 1, khi mức lãi suất cho vay vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay thì mức lãi này là không có hiệu lực. 

Ví dụ: Ông A vay của ông B 10.000.000 đồng, ông B thu lãi là 150.000đ/ tháng. Vậy trong một năm ông A phải chi trả mức lãi là 1.800.000đ. Mức lãi suất này <20%/ năm của khoản tiền vay nên mức lãi suất này là hợp lệ.

Đối với khoản 2, để bạn đọc dễ hiểu hơn, hãy cùng xem qua ví dụ này:

Ví dụ: Ông A vay của ông B 20.000.000 đồng, khi vay ông B có nói là chỉ cho vay như người nhà, và không thu lãi. Nhưng về sau, do phát sinh tranh chấp, nên ông B đòi thu lãi của ông A. Thì khi này mức lãi ông A phải trả là 50% mức lãi suất quy định tại thời điểm trả nợ. (Nếu tại thời điểm đó mức lãi suất quy định là 20%, thì ông A sẽ phải trả là 20% : 2 x 20.000.000đ = 2.000.000đ)

1.2. Lãi suất cho vay bao nhiêu là cho vay nặng lãi 

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", quy định như sau: 

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì một người bị cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất cao nhất hiện nay theo quy định của pháp luật là 20%/năm. Vì vậy, lãi suất cho vay nặng lãi được xác định như sau:

    Lãi suất cho vay nặng lãi = 5 x (20% : 12 tháng) = 8,33%/tháng

2. Luật sư tư vấn 

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định cho vay nặng lãi, hãy cùng Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tìm hiểu thông tin trong tình huống thực tế sau:

Tình huống: Xin chào quý Luật sư, tôi là Nam, sinh sống tại Tuyên Quang. Nay tôi xin được nhờ quý luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp như sau. Tôi mở cửa hàng kinh doanh nhưng do thiếu vốn nên tôi phải vay một khoản tiền 200 triệu đồng bên ngoài với lãi suất 6,5%/tháng. Do làm công việc làm ăn không mấy thuận lợi nên 3 tháng gần đây tôi chưa trả được cho họ tiền gốc + lãi. Bên cho vay cũng đã cho người tới cảnh báo tôi, nếu như trong tháng tới không trả đủ số nợ gốc + lãi 3 tháng vừa qua họ sẽ kiện tôi ra toà. Tôi rất hoang mang và muốn luật sư tư vấn giúp: Với mức lãi suất như vậy thì bên cho vay có bị tội cho vay nặng lãi không? Trường hợp của tôi thì bị xử phạt thế nào nếu bị họ kiện, liệu tôi có bị đi tù không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự của chúng tôi. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau: 

Với trường hợp bên cho vay 

Áp dụng khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 1 điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2015) thì mức lãi suất cấu thành Tội cho vay lãi nặng là lãi suất từ 8,33%/tháng trở lên. Trường hợp của bạn thì bên cho vay có khả năng không bị khép vào tội này do mức lãi suất của họ là 6,5% tháng, nhỏ hơn mức 8,33%/tháng.

Tuy nhiên trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Nghĩa là phần lãi suất vượt quá không được luật pháp bảo vệ. Trong trường hợp của bạn mức lãi suất bạn phải trả là 156 triệu đồng/năm, trong khi mức lãi suất quy định tại  khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là 40.000.000 đồng. Chính vì vậy phần lãi suất vượt quá là 116 triệu đồng sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Với trường hợp của bạn: 

Do 3 tháng vừa qua không trả được tiền gốc và tiền lãi suất cho bên cho vay. Bạn sẽ phải thực hiện việc trả lãi theo quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

“5.Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Và vì làm ăn thua lỗ nên bạn không có khả năng trả nợ thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản thế chấp, tài sản cầm cố, thế chấp. Nếu bạn không chấp nhận trả nợ bằng tài sản cầm cố, thế chấp thì bên cho vay có quyền khởi kiện tới tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Khi đó, tòa án có thể ra bản án tuyên buộc bên vay tiền phải trả nợ đối với khoản vay theo thỏa thuận của hai bên. Nếu bạn vẫn không tự nguyện chấp hành án thì bên cho vay tiền có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án bằng các biện pháp được quy định tại điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014):

“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

  1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”

Vậy bạn có bị phạt tù không?

Như vậy, trường hợp bên cho vay khởi kiện ra Tòa án, thì sẽ thuộc về lĩnh vực dân sự, bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không bị xử phạt tù.

Với tình huống trên và những thông tin được chia sẻ trong bài viết. Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự hy vọng đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc. Với kinh nghiệm của mình, cùng sự tận tâm trong quá trình làm việc và trình độ chuyên môn sâu. Chúng tôi luôn mang lại những giải pháp và sự tư vấn tốt nhất dành cho bạn. Nếu cần thêm thông tin, hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Thông tin liên hệ: Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự Địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: 0913 83 1789 (zalo) – 029 99999983 (Hotline) Email: luatsulehonghien@gmail.com Website: www.vanphongluatsuhanoi.vn
0 bình luận, đánh giá về Quy định về tội cho vay nặng lãi mới nhất theo luật Hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.02605 sec| 2400.313 kb